Ngày 1/4, Chi cục hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP HCM, phụ trách khu vực cảng Cát Lái) cho biết đang phối hợp với Bộ Công an trong chuyên án bắt 300 kg ma tuý đá tại Công ty Heshan hôm 20/3, làm rõ nhiều nghi vấn liên quan đến việc vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia.
Ngoài số ma tuý cực lớn Bộ Công an bắt quả tang, hải quan TP HCM đã khoanh vùng, rà soát các tờ khai tình nghi của Heshan, phát hiện công ty này trước đó xuất lô hàng từ cảng Cát Lái đến Philippines, nghi có ma tuý. Thông tin lập tức được báo cho lực lượng chức năng nước bạn, bắt giữ 276 kg ma tuý đá trị giá hơn 35 triệu USD trong container hạt nhựa.
Số ma tuý thu giữ trong chuyên án liên quan đến công ty Heshan. |
Tại cảng Cát Lái, Công ty Heshan chỉ có một tờ khai nhập khẩu vải từ Quảng Châu (Trung Quốc) hồi tháng 7/2018. Còn lần xuất khẩu này Heshan không đứng tên làm tờ khai mà thông qua một công ty dịch vụ ở quận Bình Tân.
“Công ty dịch vụ này làm mấy nghìn tờ khai mỗi năm với nhiều mặt hàng khác nhau, được đánh giá tốt nên không thuộc diện nghi vấn phải kiểm tra. Tờ khai container chứa ma tuý ghi vận chuyển 400 bao hạt nhựa tái sinh”, đại diện hải quan TP HCM nói.
Việt Nam hiện có chính sách ưu tiên cho hàng xuất khẩu, tỷ lệ kiểm tra rất ít. Hàng hoá xuất đi được khai thông qua hệ thống trên Internet của Tổng Cục rồi chuyển vào luồng. Nếu hàng thuộc luồng đỏ sẽ kiểm tra, luồng xanh sẽ đi thẳng một mạch còn luồng vàng chỉ kiểm tra hồ sơ trên mạng.
“Lô hàng chứa ma tuý xuất đi Philippines thuộc luồng vàng không phải soi chiếu, chỉ kiểm tra hồ sơ. Nhóm người Trung Quốc lợi dụng lỗ hổng này để xuất container ma tuý bằng đường biển”, đại diện hải quan nói.
Ma tuý trong container từ TP HCM đi Philippines. Ảnh: Công an cung cấp. |
Trước đó, trưa 20/3, xe bán tải vừa dừng trước cổng Công ty may mặc Heshan (phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân) bất ngờ bị cả trăm cảnh sát Bộ Công an bao vây, thu giữ 300 kg ma tuý đá chất đầy ôtô. Ông trùm Wu HeShan (57 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) và 6 đồng phạm bị bắt.
Nhận thông tin từ nhà chức trách Việt Nam, hai ngày sau lực lượng phòng chống ma túy Philippines (PDEA) và Cục Hải quan nước này khám xét con tàu cập bến Manila, thu giữ 276 kg ma tuý đá của Công ty Heshan.
Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an TP HCM) nhận định, thành phố đã là điểm trung chuyển ma tuý của tội phạm quốc tế. Ngoài Tam Giác Vàng, gần đây Công an TP HCM còn phát hiện một số nước Nam Mỹ chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển cocain (không sản xuất ở châu Á).
Các đường dây ma tuý nước ngoài chọn TP HCM vì có giao thông kết nối nhanh với các nước khác, nhiều cảng biển, thuận tiện giao thương. “Ngoài ra, chúng ta quản lý ngoại tệ còn yếu kém, cửa khẩu còn thiếu sót so với các nước khác. Tình hình thế này, tôi nghĩ các vụ sau này phát hiện sẽ lớn hơn vụ trước”, tướng Minh nói.
Cùng quan điểm, đại tướng Tô Lâm (Bộ trưởng Công an) cho biết, tội phạm chuyển hướng mang ma tuý vào phía Nam nước ta do bị trấn áp mạnh ở tuyến Tây Bắc (vụ Lóng Luông). Theo đó, ma tuý từ Tam Giác Vàng được đưa đến Lào, vượt biên giới vào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và trọng điểm là TP HCM. Như chuyên án 218LP bắt ở Quảng Bình tháng 10/2018, ở Hà Tĩnh hồi tháng 2 đều có điểm đến là TP HCM.
Đánh giá hoạt động của tội phạm ma tuý phức tạp, Bộ trưởng Công an đặc biệt lưu ý tăng cường kiểm soát ở đường biển. Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt giữa ngành công an, hải quan, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng. Trong đó, quản lý đầu tiên là lực lượng biên phòng bởi ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ đi trở ra. Nhập xuất hàng trong các container tại cảng thì liên quan đến hải quan, công an sẽ làm nội địa. trong địa phương.